Quy định về hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu và một số lưu ý đối với nhà đầu tư
04-09-2024

Quy định về hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong trường hợp cần thiết có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tạo môi trường đầu tư công bằng, minh bạch. Việc nắm vững những quy định liên quan đến hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn.

 

Quy định về hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu tại Việt Nam

Quy định hủy niêm yết bắt buộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tạo môi trường đầu tư công bằng, minh bạch. Theo đó, chỉ có những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, tuân thủ quy định pháp luật mới có thể niêm yết chứng khoán lâu dài trên TTCK Việt Nam.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định số 155/2020/NĐ-CP), cổ phiếu của công ty đại chúng (CTĐC) sẽ bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc khi:

    • Tổ chức niêm yết (TCNY) hủy tư cách CTĐC theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN);
    • TCNY ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên;
    • TCNY bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành;
    • Cổ phiếu không có giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) trong thời hạn 12 tháng;
    • Cổ phiếu không đưa vào giao dịch trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày SGDCK chấp thuận đăng ký niêm yết;
    • Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;
    • TCNY chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản;
    • Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm gần nhất của TCNY hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với BCTC năm trong 03 năm liên tiếp;
    • TCNY vi phạm chậm nộp BCTC năm trong 3 năm liên tiếp;
    • UBCKNN, SGDCK phát hiện TCNY giả mạo hồ sơ niêm yết;
    • TCNY bị xử lý vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7 Điều 12 Luật Chứng khoán;
    • TCNY bị đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với ngành nghề hoặc hoạt động kinh doanh chính;
    • Không đáp ứng điều kiện niêm yết do sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp;  hoặc sau khi hoàn thành các hoạt động nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký niêm yết, đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết hoặc thay đổi đăng ký niêm yết trong thời hạn quy định;
    • TCNY vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin (CBTT), không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với SGDCK và các trường hợp khác mà SGDCK hoặc UBCKNN xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Quy định cảnh báo sớm cho nhà đầu tư trước khi cổ phiếu bị hủy niêm yết

Nhằm mục đích giúp cảnh báo sớm cho các nhà đầu tư về những rủi ro tiềm ẩn có thể dẫn đến nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu, Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV của Hội đồng thành viên SGDCK Việt Nam đã đưa ra các quy định về các trường hợp cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát, hạn chế, đình chỉ giao dịch. Ví dụ, cổ phiếu của CTĐC sẽ bị hủy niêm yết khi “kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục”, trước đó, SGDCK sẽ đưa cổ phiếu của CTĐC vào diện cảnh báo khi “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại BCTC năm đã kiểm toán của TCNY là số âm” hoặc bị kiểm soát khi “Lợi nhuận sau thuế trên BCTC kiểm toán trong 02 năm gần nhất của TCNY là số âm”. Các Quyết định đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế, tạm ngừng, đình chỉ giao dịch của SGDCK được CBTT rộng rãi trên toàn thị trường, do đó, nhà đầu tư hoàn toàn có thể nắm được thông tin về những cổ phiếu nào có khả năng tiềm ẩn bị hủy niêm yết trong tương lai.

Quy định giao dịch sau khi cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc

Sau khi cổ phiếu của CTĐC bị hủy niêm yết, nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là CTĐC thì theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, CTĐC phải ĐKGD trên hệ thống giao dịch UPCoM. Do đó, đối với những trường hợp này, nhà đầu tư vẫn có thể thực hiện giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 122 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, tổ chức có cổ phiếu bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc hoặc tự nguyện, sau tối thiểu 02 năm giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM, tổ chức đó có thể thực hiện đăng ký niêm yết lại trên SGDCK nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết.

Kinh nghiệm của một số nước về hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy hầu hết các TTCK phát triển trên thế giới đều có các tiêu chí rà soát để hủy niêm yết đối với các doanh nghiệp yếu kém, không còn đáp ứng đủ điều kiện duy trì niêm yết. Tại TTCK Hàn Quốc, Thái Lan hay Nhật Bản, ngoài việc các doanh nghiệp bị hủy niêm yết do giải thể, phá sản, còn có các tiêu chí bị hủy niêm yết liên quan tới: doanh thu, vốn hóa thị trường, ý kiến của đơn vị kiểm toán, khối lượng giao dịch, vi phạm về CBTT, vi phạm về QTCT…

TTCK Hàn Quốc

Tiêu chí bị hủy niêm yết Thị trường KOSPI
Doanh thu Dưới 5 tỷ KRW trong 2 năm tài chính liên tiếp
Suy giảm vốn
    • Suy giảm vốn tại thời điểm cuối của tất cả các năm tài chính.
    • Tỷ lệ suy giảm vốn vượt quá 50% trong 2 năm tài chính liên tiếp.
Giá cổ phiếu Không đáp ứng yêu cầu giá cổ phiếu phải cao hơn 20% mệnh giá trong 10 ngày liên tục kể từ ngày bị đưa vào diện theo dõi.
Vốn hóa thị trường Không đáp ứng yêu cầu vốn hóa thị trường phải cao hơn 5 tỷ KRW trong 10 ngày liên tục kể từ ngày được đưa vào theo dõi.
Ý kiến kiểm toán
    • Ý kiến kiểm toán là trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến.
    • Ý kiến kiểm toán là ngoại trừ trong 2 năm tài chính liên tiếp.
Tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nhỏ
    • Số lượng cổ đông nhỏ giảm xuống dưới 200 cổ đông kể từ thời điểm cổ phiếu bị đưa vào theo dõi.
    • Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của cổ đông nhỏ giảm xuống dưới 5% kể từ thời điểm cổ phiếu bị đưa vào theo dõi.
Khối lượng cổ phiếu giao dịch Khối lượng cổ phiếu giao dịch trung bình hàng tháng giảm xuống dưới 1% so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trong nửa năm đầu, tình trạng này tiếp tục kéo dài đến hết nửa năm tiếp theo.
Vi phạm về CBTT
    • Điểm phạt do CBTT không trung thực lớn hơn 15 điểm trong vòng 1 năm gần nhất kể từ thời điểm cổ phiếu bị đưa vào theo dõi.
    • CBTT không trung thực làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến QTCT.
    • Không nộp báo cáo quý, báo cáo bán niên và báo cáo năm 2 lần liên tiếp.
    • Không nộp báo cáo thường niên trong vòng 10 ngày kể từ ngày hết hạn nộp.
Vi phạm quản trị công ty Không đủ số lượng thành viên quản trị độc lập hay không thành lập ban kiểm soát trong 2 năm liên tiếp.
Phá sản Phá sản hoặc bị đình chỉ các giao dịch tại ngân hàng
Tiêu chí khác
    • Bị giải thể theo quy định pháp luật;
    • Bị hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu;
    • Bị sáp nhập;
    • Vi phạm các quy định về niêm yết cửa sau.

TTCK Nhật Bản

Tiêu chí bị hủy niêm yết Áp dụng cho các thị trường
Không còn đáp ứng các tiêu chí niêm yết TCNY sẽ bị hủy niêm yết sau 1 năm kể từ thời điểm không còn đáp ứng các tiêu chí niêm yết và phải nộp kế hoạch trong vòng ba tháng kể từ thời điểm không đáp ứng tiêu chí niêm yết, nêu rõ kế hoạch tiếp tục tuân thủ tiêu chí niêm yết trong vòng 01 năm.
Chậm nộp BCTC Chậm nộp BCTC kiểm toán năm hoặc quý quá 01 tháng kể từ thời điểm phải nộp báo cáo.
Báo cáo không trung thực hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược
    • Báo cáo của doanh nghiệp chứa thông tin sai sự thật;
    • Ý kiến của kiểm toán là trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến.
Cổ phiếu bị cảnh báo đặc biệt  Hệ thống QTCT không được triển khai đầy đủ;

 

Vi phạm thỏa thuận niêm yết
    • DNNY vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận niêm yết và các vấn đề cam kết liên quan đến hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu;
    • Không còn đáp ứng tiêu chí niêm yết ban đầu và không vượt qua được cuộc kiểm tra về khả năng đủ điều kiện niêm yết ban đầu trong vòng 01 năm.
Tiêu chí khác
    • Bị đình chỉ các giao dịch ngân hàng, phá sản, sáp nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp làm thay đổi cổ đông kiểm soát, mua lại toàn bộ cổ phiếu…
    • Bị hủy niêm yết vì lợi ích của đa số nhà đầu tư.

TTCK Thái Lan

Tiêu chí bị hủy niêm yết Thị trường SET
Hiệu quả hoạt động
    • Hoạt động bị dừng hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn;
    • Vốn chủ sở hữu âm trên BCTC kiểm toán gần nhất;
    • Doanh thu thấp hơn 100 triệu Baht trên BCTC của 3 năm liên tiếp.
Ý kiến kiểm toán Ý kiến kiểm toán từ chối đối với BCTC trong 3 năm liên tiếp.

 

Tình hình tài chính Tài sản của TCNY chỉ tồn tại dưới dạng tiền mặt hoặc chứng khoán ngắn hạn trong thời gian hơn 6 tháng kể từ ngày SET nhận được báo cáo tình hình tài chính.
Vi phạm các quy định của SET TCNY đã vi phạm hoặc không tuân thủ các quy định của SET, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của cổ đông hoặc làm thay đổi giá chứng khoán.
Vi phạm về CBTT TCNY CBTT sai lệch hoặc không CBTT quan trọng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của cổ đông hoặc làm thay đổi giá chứng khoán.
Giải thể TCNY giải thể hoặc đang bị tiếp quản theo lệnh của tòa án.
Hoạt động kinh doanh không phù hợp Bản chất hoạt động kinh doanh của công ty không phù hợp để tiếp tục là TCNY.
Thay đổi sở hữu cổ phần Có sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của TCNY tại các công ty con hoặc công ty liên kết của TCNY và sự thay đổi đó ảnh hưởng nghiêm trọng và bất lợi đến TCNY.
Các công ty đã bị cảnh báo nhưng tiếp tục vi phạm
    • Không duy trì tỷ lệ cổ phiếu lưu hành tự do sau 01 năm kể từ ngày bị cảnh báo;
    • Vi phạm các quy chế của SET trong vòng 2 năm kể từ thời điểm bị cảnh báo (VD: Không thành lập Ban kiểm soát…)

Một số lưu ý đối với nhà đầu tư

Để tránh được những rủi ro thất thoát vốn đầu tư khi cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, nhà đầu tư cần nắm rõ những quy định liên quan tới việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu và một số lưu ý khi tham gia vào TTCK như sau:

    • Thứ nhất, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức, hiểu biết về TTCK, nền tảng tài chính, uy tín và triển vọng của DNNY;
    • Thứ hai, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn đầu tư cổ phiếu của DNNY, cần xem xét khả năng tuân thủ quy định pháp luật nói chung, quy định pháp luật chứng khoán nói riêng của doanh nghiệp đó, đồng thời cũng cần xem xét sự tuân thủ pháp luật của những người điều hành doanh nghiệp (Hội đồng quản trị, Ban giám đốc…), đánh giá uy tín và khả năng quản trị công ty (QTCT) của doanh nghiệp;
    • Thứ ba, nhà đầu tư cũng cần chú ý liên tục cập nhật mọi thông tin về cổ phiếu, BCTC của doanh nghiệp, từ đó có thể nhanh chóng nắm bắt, đánh giá chất lượng cổ phiếu và ra quyết định đầu tư một cách chính xác hơn./.

Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

– CÔNG TY TNHH CHỨNG KHOÁN NHẬT BẢN –

 

Tin tiếp theo